Ngàn hoa vẫn nở giữa rừng Trường Sơn

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đã 49 năm ngày đất nước thống nhất, hôm nay đứng trên ngã tư Trạ Ang, tôi mường tượng một thời đạn bom, một thời rừng cháy trụi trơ, đất đai lỗ chỗ hố bom đạn, một thời các chị các anh đã hy sinh vì đất nước...

Trước những ngày kỷ niệm 49 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), tôi lại một lần nữa lên với rừng Trường Sơn, với hang Tám TNXP (còn gọi là hang Tám Cô) giữa rừng Trường Sơn, thuộc huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Tôi lại tự lục vấn là vì sao mỗi lần đặt chân tới đây tôi đều cảm thấy có gì đó luôn mới mẻ, luôn tạo cho tôi xúc cảm mới, dù chuyến lên hang lần đầu tiên là vào mùa lau nở năm 2003, đến bây giờ là đã hơn 21 năm?

Sau khi vượt hết 16km chặng đường rừng ngoằn ngoèo từ km số 0 của đường 20 Quyết Thắng ở thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch, Quảng Bình), tôi lại thẫn thờ đứng trước hang Tám TNXP.

Ngàn hoa vẫn nở giữa rừng Trường Sơn - 1

Đường 20 Quyết Thắng hôm nay

Tôi dõi theo làn gió rừng bao nhiêu năm tuổi, vẫn từng đợt ào ạt băng qua khe sâu trước hang, băng qua triền đồi xanh ngan ngát màu cây. Gió ngàn Trường Sơn làm dào lên từng đợt lá như sóng. Màu xanh cây lá Trường Sơn vẫn trinh nguyên như thuở các chị các anh mở đường chống Mỹ và nằm lại... Tôi ngỡ như trước mắt mình là sóng biển. Sóng biển Hoằng Hoá (Thanh Hoá) và Hải Hậu (Nam Định) hay từ những miền quê biển khác xa ngái đang triền miên vỗ về bên dốc núi xanh Trường Sơn. Gió từ sóng núi Sơn Dương (Tuyên Quang), Cam Đường (Lào Cai), Vỵ Xuyên (Hà Giang) hay từ những vùng quê yên ả khác cũng đang vỗ về những triền núi đá điệp trùng của Trường Sơn trên đất Quảng Bình, nơi các chị các anh nằm lại từ hơn 50 năm trước...

20 năm trước, tháng 11/2003, tôi lên với hang Tám TNXP, khi TP.HCM đầu tư xây dựng 42 căn nhà mới cho người Arem ở xã Tân Trạch (huyện Bố Trạch) giữa đại ngàn Trường Sơn. Cảnh sắc bây giờ không còn như ngày trước nữa. Con đường 20 Quyết Thắng thời 20 năm trước tôi đi lổn nhổn đá hộc, đầy ổ trâu ổ bò bây giờ đã là mặt nhựa phẳng và rộng rãi. Chỉ giống như ngày trước chăng là hôm nay vẫn những rặng núi, rừng cây xanh ngát đó mà thôi. Thời ấy, con đường 20 từ ngã ba Trạ Ang trên đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) lên hang Tám TNXP là sự thử thách với biết bao người. Thử thách, bởi suốt chặng dài gần 30km đó có khi đi hàng tiếng đồng hồ vẫn không bắt gặp một người nào trên đường. Mặt đường thì vừa xấu, lại vừa ngược nhiều dốc lớn khó đi. Trước khi đi, tôi mua một cái lược, một cái gương và mấy chai nước lọc, mấy phong lương khô.

Đến hang Tám TNXP, thuở ấy còn hoang sơ chứ không phải như bây giờ, tôi kính cẩn đặt gương lược, phong lương khô và chai nước lọc lên gờ đá trong lòng hang. Thầm thì biết ơn sự hi sinh của các chị các anh cũng như biết bao liệt sỹ đã hy sinh trên dọc dài của tuyến đường 20 Quyết Thắng đông Trường Sơn nối tây Trường Sơn.

Ngàn hoa vẫn nở giữa rừng Trường Sơn - 2

Bên ngoài hang Tám TNXP

Trở về, tôi cũng ghé hang. Rừng trưa, nhưng mùa đông nên hang nhỏ âm u, yên ắng đến lạ thường. Không hiểu sao, dù một mình giữa chốn hoang vu như vậy, tôi vẫn thấy mình vững tâm, không có một cảm giác sợ hãi nào. Khi tôi đang nói với các chị các anh thì bỗng nhiên, một chiếc lá từ trên cao rơi sượt xuống bên người tôi, rồi nằm lặng lẽ trên gờ đá, gần ngay bên chiếc lư hương nhỏ trong hang. Tháng 11 năm ấy, nhiều cây lau đã nở bông trắng triền rừng, dào dạt theo từng đợt gió như bờm của đàn ngựa trắng đang phi triền miên qua từng cánh rừng.

Ngàn hoa vẫn nở giữa rừng Trường Sơn - 3

Thắp một nén tâm hương với các liệt sỹ ở hang Tám TNXP

Lần lên hang Tám TNXP này, cũng như mỗi lần đến trước đó, tôi lại chậm rãi đọc tấm bia ghi dấu thời gian và sự kiện về các chị các anh: “Nơi đây, ngày 14/12/1972 máy bay Mỹ đã ném bom làm sập cửa hang, các chiến sĩ thanh niên xung phong bị mắc kẹt bên trong. Sau nhiều ngày được đồng đội tìm mọi cách tiếp cứu, di chuyển khối đá chắn lấp cửa hang, nhưng không thể cứu được các anh các chị. Trong trận bom này, 8 Thanh niên xung phong và 5 Chiến sĩ binh chủng Pháo binh đã anh dũng hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ”.

Và tôi đã nghiệm ra từ những con số trên bia một điều: con đường này mang tên 20. Lấy năm 1972 là năm các anh các chị hi sinh, trừ đi năm sinh của các chị các anh thì 8 liệt sỹ có ba người tuổi 20, hai người tuổi 19, hai người tuổi 18 và một người tuổi 25. Trong năm chiến sĩ pháo binh cùng hi sinh với tám anh chị ở đây cũng vì trận bom ngày 14/11/1972 ấy, có ba người tuổi 20, một người tuổi 19 và một người tuổi 18. Nghĩa là các chị các anh mãi mãi ở lứa tuổi 20 trên con đường mang tên 20 Quyết Thắng!

Đã 49 năm ngày đất nước thống nhất, hôm nay đứng trên ngã tư Trạ Ang, điểm giao nhau của đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) và đường 20, nhìn xuống con suối sâu bên dưới cầu Trạ Ang, tôi mường tượng một thời đạn bom, một thời rừng cháy trụi trơ, đất đai lỗ chỗ hố bom đạn, một thời các chị các anh hy sinh vì đất nước… Bây giờ, du khách lên đứng đây, không còn thấy dấu tích nào của chiến tranh nữa. Sức sống bền bỉ, dẻo dai của cây rừng Trường Sơn đã làm lành lại đất này…

Thắp nén nhang trong hang và ở nhà tưởng niệm các liệt sỹ ở hang Tám TNXP, cũng là thắp nén nhang tưởng niệm biết bao các chị các anh đã hy sinh trên con đường 20 này giữa rừng Trường Sơn. Tất cả, đều mãi mãi xanh như cây rừng Trường Sơn, như hoa vẫn nở giữa rừng Trường Sơn…

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lam Giang

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!