Lên đỉnh Mẫu Sơn chạm vào linh địa cổ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật và phát hiện ra Khu linh địa cổ Mẫu Sơn (Lạng Sơn). Đến nay, vẫn còn đó những bí ẩn về lịch sử và bí mật về những chủ nhân đã dày công xây dựng nên nơi này.

Lên đỉnh Mẫu Sơn chạm vào linh địa cổ - 1

Được khai quật vào năm 2003, đến năm 2013, khu Linh địa Mẫu Sơn được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Nơi đây mang ý nghĩa của một di tích tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời là biểu tượng của sức mạnh văn hóa, thể hiện đời sống tinh thần phong phú người Tày cổ ở khu vực này.

Khu linh địa cổ Mẫu Sơn nằm ở độ cao 1.190 m so với mặt nước biển, phân bố trên sườn núi dốc trên dãy Mẫu Sơn, thuộc địa phận thôn Lặp Pịa, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

Để đến linh địa cổ, du khách được khám phá khu rừng nguyên sinh với hàng trăm loại cây cỏ, hoa lá đủ các loại màu sắc. Những dấu tích của ngôi đền cổ: các chân cột đá, tường đá và tường gạch, bậc thềm và cánh cửa đá, hầm mộ đá... đến nay vẫn còn nguyên hiện trạng.

Lên đỉnh Mẫu Sơn chạm vào linh địa cổ - 2

Người dân đã lập nên khu đền thờ thần núi và hằng năm hành hương tế lễ thần linh cầu mong những điều tốt đẹp.

Khu linh địa cổ Mẫu Sơn có niên đại từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XX. Chủ nhân của khu Linh địa cổ Mẫu Sơn thời kỳ đầu là người Tày cổ, sau này có sự tham gia của người Nùng và người Dao cùng cư trú ở khu vực này. Người dân đã lập nên khu đền thờ thần núi và hằng năm hành hương tế lễ thần linh cầu mong những điều tốt đẹp nhất trong đời sống của mình. Năm 2003, Bảo tàng Tổng hợp Lạng Sơn (nay là Bảo tàng Lạng Sơn) tiến hành khai quật, phát hiện những dấu tích của khu linh địa cổ.

Lên đỉnh Mẫu Sơn chạm vào linh địa cổ - 3

Để đến linh địa cổ, du khách được khám phá khu rừng nguyên sinh với hàng trăm loại cây cỏ, hoa lá đủ các loại màu sắc.

Đền được xây dựng để thờ vị thần trấn núi Mẫu Sơn có tên gọi là “Đức Tôn Thần Công Tịnh Quang Mậu, Hùng Trấn Đại Vương, Thượng Đẳng Phúc Thần”.

Về lịch sử, khu linh địa cổ có nhiều tài liệu ghi chép khác nhau. Tuy nhiên, theo báo cáo khoa học kết quả nghiên cứu, khai quật khu di tích Mẫu Sơn năm 2003 của Bảo tàng tổng hợp Lạng Sơn, di tích này có từ lâu đời, có thể được xây dựng vào khoảng từ thế kỷ X đến thế kỷ XX.

Toàn bộ khu di tích linh địa cổ Mẫu Sơn có diện tích 24.400m2, được coi là vị trí “đắc địa” theo phong thủy: Lưng tựa vào núi Mẹ Mẫu Sơn phía bắc hùng vĩ, mặt hướng ra vũng bồn địa Na Dương – Lộc Bình phía nam sông nước đồng ruộng bao la, bên phải phía tây là núi Cha sừng sững quanh năm mây phủ, bên trái phía Đông là cánh rừng nguyên sinh mọc tươi tốt trên các ngọn núi.

Lên đỉnh Mẫu Sơn chạm vào linh địa cổ - 4

Lên đỉnh Mẫu Sơn chạm vào linh địa cổ - 5

Ở trên vị trí cao như vậy lại có những dòng suối và thác nhỏ tuyệt đẹp.

Môi trường tự nhiên nơi đây khá đa dạng và trong lành với những khe suối nhỏ, nhiều cánh rừng nguyên sinh, thảm thực vật nhiều tầng còn bảo lưu được những cây gỗ quý như Tùng la hán, Trầm hương, các loài hoa Đỗ quyên, Trúc rừng… Thấp hơn phía chân núi là các cánh rừng thông, tre nứa, các khoảng đồi bát ngát hoa sim, mua. Nhiều loại động thực vật hoang dã như lợn rừng, hươu, nai, các loại cầy, dúi, các loài chim… Đến Đền cổ Mẫu Sơn tâm hồn con người trở nên thanh thoát.

Sau đợt khảo sát và khai quật năm 2003 – 2004 của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh kết hợp với các chuyên gia Viện khảo cổ, đến nay về cơ bản di tích vẫn giữ nguyên hiện trạng như sau khai quật, gồm có 3 nền móng đắp bằng đá xây dựng đền thờ, các chân cột đá, tường đá và tường gạch, bậc thềm và cánh cửa đá… Gạch xây dựng cho thấy ngôi đền được trùng tu vào cuối thế kỷ XIX.

Lên đỉnh Mẫu Sơn chạm vào linh địa cổ - 6

Lên đỉnh Mẫu Sơn chạm vào linh địa cổ - 7Qua kích thước và vết đục có thể nói những tảng đá này được khai thác làm nguyên liệu để xây dựng ngôi đền cổ.

Hầm mộ đá với cấu trúc và quy mô lớn có vòm che và có nhiều khả năng theo kiểu quan trong ngoài quách. Toàn bộ mộ được dựng bằng những khối đá lớn khai thác tại chỗ. Ngoài ra, một hầm mộ khác có quy mô nhỏ hơn, được dựng theo kiểu trác thạch bằng cách lợi dụng hai tảng đá tự nhiên hai bên và ở trên đậy bằng một phiến đá.

Trên một khu vực rộng lớn có rất nhiều tảng đá lớn nằm theo cụm hay đơn lẻ, một số tảng đá lớn có vết tích chế tác của con người. Qua kích thước và vết đục có thể nói những tảng đá này được khai thác làm nguyên liệu để xây dựng ngôi đền cổ. Các đập chắn nước phía trên ngôi đền lợi dụng địa thế của các dãy đá tự nhiên chạy ngang sườn núi có gia cố thêm bằng đá phiến.

Khu đền cổ và mộ đá trên khu linh địa cổ hiện tồn tại với đầy đủ ý nghĩa của di tích tín ngưỡng, tôn giáo, vừa là nơi thờ tự thần núi Mẫu Sơn vừa là nơi có di tích mộ đá lớn. Song, nó đơn thuần không chỉ là nơi thờ tự, lăng mộ, hành lễ, mà còn là biểu tượng của sức mạnh văn hóa thể hiện đời sống tinh thần phong phú người Tày cổ ở khu vực này.

Lên đỉnh Mẫu Sơn chạm vào linh địa cổ - 8

Tuy nằm trên địa thế cao, dốc, đường đi lại khó khắn nhưng đến nay khu linh địa cổ Mẫu Sơn đã thu hút rất nhiều du khách tới hành hương.

Linh địa cổ Mẫu Sơn vẫn còn đó những bí ẩn về lịch sử và bí mật về chủ nhân đã dày công xây dựng nên nó. Những câu chuyện lưu truyền trong cộng đồng các dân tộc nơi đây và những chứng tích còn lại vẫn là những bí mật mà mỗi chúng ta cần có thời gian và bằng chứng để khẳng định về một vùng linh địa đã tồn tại lâu đời tại vùng núi Mẹ nơi biên cương địa đầu Tổ quốc thiêng liêng này.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Như Ngọc

CLIP HOT

Chiêm ngưỡng khung cảnh hữu tình ở vịnh đẹp thế giới
Chiêm ngưỡng khung cảnh hữu tình ở vịnh đẹp thế giới

Dừng chân bên vịnh Lăng Cô, du khách được chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp với hình ảnh đèo Hải Vân hùng vĩ, bãi cát trắng trải dài cùng màu nước trong xanh... Có mặt ở vịnh đẹp thế giới này, du khách được chứng kiến khung cảnh sóng vỗ bờ, thỉnh thoảng đoàn tàu xuyên núi chầm chậm đi qua...