“Thiếu gia” điện gió miền Tây bị đề nghị mức án 12 - 13 năm tù

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hai cha con ông Tô Hoài Dân và Tô Công Lý bị cáo buộc lừa UBND tỉnh Cà Mau để chiếm đoạt trên 7 tỷ đồng. Ở miền Tây, ông Dân rất nổi tiếng với cánh đồng điện gió ở Bạc Liêu.

Ngày 29/3, phiên tòa xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Xử lý rác thải TP Cà Mau do Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý (gọi tắt Công ty Công Lý) đã bước vào phần luận tội. Đại diện VKSND tỉnh Cà Mau đã đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo Tô Công Lý (40 tuổi, Phó tổng Giám đốc Công ty Công Lý), Tô Hoài Dân (63 tuổi, cha ruột Công Lý và là Tổng giám đốc Công ty Công Lý) và Nguyễn Bá Đam (40 tuổi, nhân viên Công ty Công Lý) phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Từ cáo buộc trên, cơ quan công tố đề nghị phạt mức án đối với Lý từ 12 -13 năm tù; bị cáo Dân và Đam cùng mức án từ 7 - 8 năm tù.

Bị cáo buộc lợi dụng chính sách ưu đãi để lừa đảo

Theo cáo trạng, Công ty Công Lý do bị cáo Dân làm chủ, được tỉnh Cà Mau cấp giấy chứng nhận đầu tư Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau vào cuối năm 2008. Đầu năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 04/2009 về ưu đãi hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó có nội dung hỗ trợ 50% giá trị đầu tư đối với cơ sở xử lý chất thải rắn tập trung, tương tự mô hình nhà máy rác của Công ty Công Lý.

Lợi dụng chính sách này, Tô Công Lý được cho là chỉ đạo Nguyễn Bá Đam lập hồ sơ khống xây dựng 2 hạng mục công trình, gồm hệ thống xử lý nước thải và khu tiếp nhận và phân tách rác với giá trị hơn 14,6 tỷ đồng, với mục đích là lợi dụng chính sách hỗ trợ 50% vốn đầu tư đối với dự án trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

“Thiếu gia” điện gió miền Tây bị đề nghị mức án 12 - 13 năm tù - 1

Ông Tô Hoài Dân đang khai báo (đứng) và Tô Công Lý (ngồi bên phải) tại tòa. Ảnh: A.X.

Sau khi lập xong hồ sơ khống, Lý trình cho cha ruột Tô Hoài Dân ký quyết định phê duyệt quyết toán hoàn thành dự án. Ông Dân sau đó ký tờ trình đề nghị UBND tỉnh Cà Mau xem xét hỗ trợ 50% vốn đầu tư, được UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt, hỗ trợ 50% vốn với số tiền hơn 7,3 tỷ đồng.

Theo các cơ quan tố tụng, hành vi của Tô Công Lý đã phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản  quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự với vai trò chủ mưu. Ông Tô Hoài Dân và Nguyễn Bá Đam cũng bị cáo buộc tội danh trên với vai trò đồng phạm.

Sau khi Lý bị bắt vào tháng 8/2019, Công ty Công Lý đã tự nguyện nộp hơn 157 tỷ đồng. Vợ của Lý sau đó tiếp tục nộp tiền khắc phục hậu quả trong vụ án hơn 7 tỷ đồng. Về số tiền này, cơ quan công tố đề nghị tịch thu khoản 7 tỷ đồng do vợ Lý nộp sung công, còn khoản tự nguyện nộp hơn 157 tỷ đồng sẽ tiếp tục tạm giữ chờ xử lý sau.

Khi vụ án được đưa ra xét xử, cả 3 bị cáo đã phản cung vào ngày đầu tiên (28/3). Cha con ông Tô Hoài Dân, Tô Công Lý và thuộc cấp đều cho rằng không lập hồ sơ khống 2 hạng mục công trình để lấy tiền của Nhà nước như cáo buộc của cơ quan công tố. Theo cha con ông Dân, việc thay đổi lời khai tại tòa là do lúc vụ án mới xảy ra, tinh thần bất ổn, lo sợ và thiếu hồ sơ trong tay nên mới khai như vậy. Riêng bị cáo Đam khai rằng do bị điều tra viên bức cung.

Nổi tiếng từ cánh đồng điện gió

Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty TNHH hai thành viên trở lên do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau cấp ngày 28/2/2017, Công ty Công Lý thành lập ngày 10/11/2000 và đã nhiều lần thay đổi giấy đăng ký kinh doanh.

“Thiếu gia” điện gió miền Tây bị đề nghị mức án 12 - 13 năm tù - 2

Cánh đồng điện gió Bạc Liêu. Ảnh: Việt Tường.

Theo giấy phép kinh doanh, ngoài điện gió, Công ty Công Lý hoạt động đa lĩnh vực như: Xây dựng; du lịch; vận tải; xử lý rác thải; chế biến và kinh doanh phân vi sinh, các sản phẩm nhựa tái chế; mua bán thiết bị điện....

Cuối năm 2000, sau khi có vốn ông Dân thành lập Công ty Công Lý, chuyên ngành xây dựng, thi công cầu đường, có trụ sở ở TP Cà Mau, với vốn điều lệ 7 tỷ đồng. Công ty này chủ yếu tham gia làm các công trình giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi và cầu.

Từ năm 2001-2009, Công ty Công Lý thực hiện 9 công trình đường giao thông và 7 cây cầu với tổng vốn đầu tư 260 tỷ đồng. Cụ thể là dự án bờ kè vành đai Biển Đông (Cà Mau), gói thầu số 1 và 12 tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn Năm Căn - Đất Mũi, giá trị trên 200 tỷ đồng).

Ngoài ra, doanh nghiệp của gia đình ông Lý còn trúng một số gói thầu làm mặt đường, nền đường, cống thủy lợi tuyến đường Khai Long - Mũi Cà Mau (trên 35 tỷ đồng).

Đến tháng 4/2010, Công ty Công Lý tổ chức lễ khởi công dự án Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau, vốn đầu tư 329 tỷ đồng, công suất xử lý 200 tấn rác thải/ngày.

Dự án này thực hiện theo chính sách ưu đãi từ Nghị định 04/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 50% vốn (40% ngân sách Trung ương và 10% ngân sách tỉnh), còn lại là vốn của doanh nghiệp.

Không chỉ có dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu, cha con ông Tô Hoài Dân còn có dự án Điện gió Khai Long ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) và Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau. 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Việt Tường

CLIP HOT